Ngày 21/8 tại Ninh Bình đã diễn ra Hội nghị Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam lần thứ 17.
|
Nhiều kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực điện quang và y học hạt nhân đã được triển khai thành công tại Việt Nam. VGP/Hiền Minh |
Hội nghị có sự tham gia của 15 chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, điện quang can thiệp đến từ Canada, Anh, Italy, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đánh giá lĩnh vực điện quang và y học hạt nhân ở nước ta ngày càng phát triển với các trang thiết bị hình ảnh hiện đại trên khắp cả 3 miền như: Máy X quang số hóa, siêu âm thường và Doppler, hệ thống chụp cắt lớp vi tính đa dãy, hệ thống chụp cộng hưởng từ, hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền trong can thiệp, các hệ thống máy trong y học hạt nhân và xạ trị như hệ thống PET-CT, SPECT, xạ trị, Gama Knife...
Sau khi được khám lâm sàng, thông qua các hệ thống kỹ thuật này, người bệnh sẽ được “soi” rõ mình bị bệnh gì, các tổn thương sâu bên trong cơ thể ra sao, từ đó sẽ có phác đồ điều trị thích hợp, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, còn có nhiều kỹ thuật về y học hạt nhân đã được ứng dụng để điều trị hàng nghìn ca bệnh hiểm nghèo như: ung bướu, tim mạch, chấn thương thần kinh. Cụ thể như kỹ thuật nút mạch đối với các ca bệnh bị chảy máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm về tính mạng mà ít để lại di chứng thần kinh hoặc ứng dụng trong nút mạch điều trị ung thư gan, bệnh nhân sống khoẻ sau 5 năm đạt tỉ lệ cao.
Hội nghị Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam năm nay có sự tham gia của Hội Cơ xương khớp quốc tế (ISS).
Hội Cơ xương khớp quốc tế đã tổ chức đào tạo tại Bệnh viện tỉnh Ninh Bình vào các ngày 19 và 20/8 và Hội điện quang Châu Á (AOSR) tổ chức phối hợp chuyên đề chẩn đoán hình ảnh tim mạch máu ngày 22/8.
Đây là dịp các bác sĩ Việt Nam cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau định hướng phát triển chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân trên toàn quốc.
Theo Baochinhphu.vn