Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những phương pháp mới để xác định những người có nguy cơ cao, xác định nguyên nhân của đột quỵ và phát triển các chiến lược phòng ngừa. Một nghiên cứu mới của Tiến sĩ Dina Vojinovic, Trường Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) và cộng sự cho thấy, chất chuyển hóa (đến từ thức ăn) trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ.
Các nhà khoa học đã xem xét bảy nghiên cứu, bao gồm gần 39.000 người. Tổng cộng, gần 1.800 người bị đột quỵ trong thời gian từ 2 đến 10 năm theo dõi. 10 chất chuyển hóa được tìm thấy có liên quan đến nguy cơ đột quỵ. Trong đó, axit amin histidine là axit amin có liên quan nhất đến việc giảm nguy cơ đột quỵ.
Histidine có từ thịt, trứng, sữa và ngũ cốc. Nó là một axit amin thiết yếu giúp duy trì sự sống và có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ. Histidine có thể được chuyển đổi thành histamine, đã được chứng minh là có tác động mạnh đến sự giãn nở của các mạch máu. Nó cũng có chức năng như một chất dẫn truyền thần kinh trong não và đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là làm giảm huyết áp và viêm. Cholesterol lipoprotein mật độ cao, HDL và HDL2 là những cholesterol "tốt", có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên, cholesterol lipoprotein mật độ thấp (hay cholesterol "xấu") và chất béo trung tính làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chất chuyển hóa pyruvate, được tạo ra khi tế bào phân hủy đường, cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, với mỗi một lần tăng độ lệch chuẩn pyruvate, nguy cơ đột quỵ tăng 13%.
Pyruvate rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho tế bào và đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây để giảm viêm, nhưng ngược lại, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo Suckhoedoisong.vn