Bệnh nhân 35 tuổi bị sỏi thận nhiều năm, tự điều trị tại nhà bằng thuốc nam. Một thời gian sau anh đau dữ dội thành từng đợt ở vùng thắt lưng. Đầu tháng một, anh đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám.
Phim chụp CT ổ bụng cho thấy bệnh nhân bị giãn bể thận trái, sỏi thận trái kích thước khoảng 21 mm. Bác sĩ chỉ định nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, các bác sĩ rạch một vết rạch nhỏ khoảng một cm tại vùng lưng của bệnh nhân. Sau đó, nong một đường hầm nhỏ qua da, vào đến thận, tiếp xúc với viên sỏi. Ống nội soi thận được đặt vào đường hầm để bác sĩ tán và gắp sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn nhỏ và hút ra ngoài.
|
Các bác sĩ đang phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
|
Bác sĩ Phạm Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện cho biết, nội soi tán sỏi thận qua da là phương pháp ít sang chấn, thay thế cho mổ mở. Kỹ thuật này được áp dụng để điều trị các bệnh sỏi thận và niệu quản 1/3 trên có kích thước từ 2 cm trở lên, kể cả với sỏi san hô.
Phương pháp này ưu điểm là nhẹ nhàng, ít đau và thời gian nằm viện ngắn (3-4 ngày), khả năng phục hồi nhanh (7-10 ngày).
"Kỹ thuật này cho phép kiểm tra toàn bộ các đài bể thận và niệu quản nên không bỏ sót sỏi. Vết mổ nhỏ một cm nên đảm bảo tính thẩm mỹ, ít làm ảnh hưởng tới thận và giảm tối thiểu biến chứng so với cách mổ thông thường", bác sĩ Thái nói.
Bệnh nhân sau mổ tán sỏi đã ổn định sức khỏe, được theo dõi thêm để đảm bảo thể trạng tốt nhất trước khi xuất viện.
Theo Vnexpress.net