GS.TS Hoàng Đức Kiệt
|
- Tôi bắt đầu làm Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam (ĐQ&YHHN) từ năm 2004 đến nay, gắn bó từ lâu với cương vị Tổng Thư ký. Hội được thành lập từ năm 1961, đầu tiên chỉ đơn thuần là tổ chức của những người làm công tác chẩn đoán hình ảnh X-quang nên có tên Hội Điện quang. Sau sáp nhập thêm một số chuyên ngành khác như Y học hạt nhân và Vật lý trị liệu nên năm 1978, đổi tên thành Hội X-Quang, lý liệu, phóng xạ, nay là Hội Điện quang và Y học hạt nhân.
Từ những máy X-quang cũ kỹ thời còn chiến tranh, nay chúng ta đã có một mạng lưới rộng khắp và hiện đại chiếu chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp… cùng máy gia tốc vòng cung cấp nhiều loại dược chất phóng xạ cho y học hạt nhân. Những thiết bị nói trên đã trợ giúp rất đắc lực cho các bác sĩ điều trị, chẩn đoán chính xác, kịp thời, hiệu quả hơn so với trước rất nhiều.
Trước thực tế lãng phí trang thiết bị ở một số nơi vùng cao và thiếu nhân lực chuyên sâu cho ngành này, ông có băn khoăn gì không?
- Thực sự là tôi cũng khá buồn trước một số vấn đề đã và đang xảy ra. Trước hết là hiện tượng máy móc, thiết bị ở một số vùng sâu, vùng xa đang được sử dụng lãng phí, hỏng hóc mà địa phương không có nguồn kinh phí cũng như nhân lực khắc phục. Dụng ý của các tổ chức ODA định hướng đầu tư cho những nơi này để giúp bà con nghèo nhưng chúng ta đã không tính được hết mọi khả năng xảy ra. Chính nguyên nhân đói nghèo đã dẫn đến BV có ít bệnh nhân. Thêm vào đó cán bộ ngành y tế, ở các vùng này còn thiếu và yếu nên nhiều khi sử dụng máy móc, thiết bị không chuẩn, gây hỏng hóc. Hội chúng tôi tham mưu cho Bộ Y tế nên tổ chức các lớp đào tạo tập trung, có thể đặt tại Hà Nội hay các trung tâm vùng, miền. Tuy nhiên, thời gian qua, các lớp này mới chỉ quan tâm đến những cán bộ chuyên ngành siêu âm. Những chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh cao cấp khác chưa có điều kiện mở được do thiếu học viên.
Còn chuyện "nhân bản” xét nghiệm?
- Hiện tượng "nhân bản” mới chỉ xuất hiện ở lĩnh vực xét nghiệm và bị phát hiện tại BV Đa khoa Hoài Đức trong thời gian gần đây. Tuy chưa xảy ra trong ngành chẩn đoán hình ảnh nhưng cũng khiến chúng tôi băn khoăn. Đại hội này bàn thảo rất nhiều về y đức. Nếu không trau dồi y đức mà cứ phán bừa đương nhiên sẽ gây hậu quả khôn lường cho người bệnh. Anh tính, mỗi lần chụp cắt lớp tốn kém mất gần 1 triệu đồng. Chụp cộng hưởng từ hết gần 2 triệu đồng. Đây là còn rẻ từ 4 - 5 lần so với giá quốc tế. Bà con tốn kém lắm nên phải cân nhắc, tư vấn kỹ giúp họ
.
Về chủ trương xã hội hóa trang thiết bị y tế ở ta, ông có nghĩ rằng đó là vấn đề còn nhiều chuyện phải bàn?
- Chớp thời cơ Việt Nam là thị trường còn mới mẻ, lợi dụng chủ trương xã hội hóa nói trên, vừa qua, nhiều hãng thiết bị y tế trên thế giới tranh thủ móc nối với các cơ sở y tế nước ta để đầu tư vào đây ăn chia lợi nhuận với nhóm lợi ích trong ngành. Việc ấy là có thật và có cả mặt trái trong việc trục lợi từ thương hiệu của BV. Chúng tôi đã thấy từ rất sớm và tham mưu cho Bộ Y tế không nên làm tràn lan mà chỉ nên triển khai xã hội hóa y tế ở những nơi mà Nhà nước chưa quan tâm hết được hoặc chưa đầu tư thỏa đáng. Ngoài ra, chúng ta cần tổ chức mở rộng đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu ngay sau tốt nghiệp đại học cho sinh viên - việc bắt buộc phải làm hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi cũng đã tư vấn cho Nhà nước khi thảo luận Luật Khám chữa bệnh là chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ có thời hạn từ 3-5 năm/lần, thay vì cấp 1 lần, có giá trị mãi mãi. Như thế họ mới nỗ lực thực sự để tự nâng cao tay nghề. Và nếu làm được như ở nước ngoài, việc cấp chứng chỉ hành nghề này giao cho các hội nghề nghiệp, chứ không phải giao cho cơ quan quản lý như ở ta hiện nay, tôi nghĩ sẽ nâng cao năng lực bác sĩ lên rất nhiều. Là vì các hội nghề nghiệp như chúng tôi nắm rất rõ khả năng của họ đến đâu...
Xin cảm ơn ông!
Theo Baomoi.com
|