GS.TS. Hoàng Đức Kiệt: Từ nghề nguy hiểm, độc hại đến vinh quang

 Vượt qua những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, anh thanh niên Hoàng Ðức Kiệt chăm học hành, nuôi chí lớn đã phấn đấu trở  thành một thầy thuốc tài năng của chuyên ngành Xquang - chẩn đoán hình ảnh với những thành tích phục vụ bệnh nhân và đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc cùng chuyên ngành. Giáo sư là người đi tiên phong trong việc đổi mới, đem lại giá trị mới cho chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam.
GS..TS. Hoàng Đức Kiệt sinh năm 1937 trong gia đình nghèo tại một làng quê thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cha mất sớm, ông theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa, ở trọ cho một gia đình, nhờ có công kèm cặp các con của họ học hành nên được gia đình giúp đỡ ăn học và ông tốt nghiệp phổ thông năm 1953. Lặn lội đi bộ lên Chiêm Hóa - Tuyên  Quang, xin vào học Trường đại học Y trong kháng chiến nhưng trường không mở lớp.
 
Bộ Y tế thu nhận ông vào  học lớp y sĩ đặc biệt khóa 6, vừa học vừa phục vụ các yêu cầu về công tác y tế của nhân dân trong  năm cuối chiến tranh và năm đầu tiên khi hòa bình lập lại. Năm 1959, ông được tiếp tục học bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội và tốt nghiệp năm 1962, được phân công công tác về Bệnh viện Phủ Lý rồi Bệnh viện tỉnh Nam Định.
 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng quà lưu niệm cho Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Hoàng Đức Kiệt nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2010). Ảnh: Chí Cường

Nhận chuyên ngành khó: chuyên ngành Xquang chẩn đoán

Hòa bình lập lại, do nhu cầu của ngành, một số chuyên khoa được xây dựng và phát triển, trong số đó có chuyên khoa vệ sinh phòng dịch: ít hấp dẫn; chuyên khoa Xquang độc hại và nguy hiểm.

Tháng 2/1956, BS. Nguyễn Như Trác - Giám đốc Y tế LK3 nhận thấy Hoàng Đức Kiệt tuy chưa phải là bác sĩ nhưng có tố chất thông minh và học giỏi đã cử đi học khóa đào tạo đặc biệt về chuyên ngành Xquang mà Nam Định là địa phương duy nhất được cử người theo học cùng 4 y-bác sĩ các Bệnh viện lớn ở Trung ương và Hà Nội. GS.  Frederich Held (CHDC Đức) sang Việt Nam tham gia việc viện trợ các thiết bị y tế cho Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức là giảng viên của lớp học này.

Chấp hành sự phân công của tổ chức,  vinh dự được cơ quan tin cẩn, tín nhiệm, song ông phải suy nghĩ, đấu tranh bản thân rất nhiều, bởi như vậy, từ đây bắt đầu một sự nghiệp đầy khó khăn.

Chuyên ngành Xquang rất cần cho công việc chẩn đoán nhiều bệnh tật, nhưng khi chiếu chụp cho người bệnh thì phát ra các tia phóng xạ mà người thầy thuốc và bệnh nhân dễ bị nhiễm. Người bệnh chỉ chịu đựng một thời lượng rất nhỏ trong ngày, còn y-bác sĩ thì lãnh đủ tia X theo số lần thực hiện các thao tác sử dụng máy trong ngày, nhiều ngày. Tia X có tác động làm tổn thương các mô của cơ thể, làm biến đổi gen. Các tác động nguy hiểm của phóng xạ không những trên cơ thể người bị nhiễm mà còn có tác động di truyền tới các thế hệ con, cháu của họ. Trong những năm đó, các  máy  Xquang đều là máy 1/2 sóng và thường là máy cũ,  phương tiện bảo hiểm còn sơ sài, y bác sĩ làm việc quá mức quy định thì mức độ nhiễm xạ càng cao. Từ thời kỳ bao cấp,  bác sĩ, y sĩ Xquang đã được cấp chế độ bồi dưỡng độc hại hạng đặc biệt mà anh em thường nói là chế độ cho những người hành nghề nguy hiểm, được cấp tem phiếu hàng tháng cao nhất: 2,5kg thịt (bác sĩ điều trị: 0,35kg); đường: 1,5kg (bác sĩ: 0,25kg).

Từ cương vị Trưởng khoa Xquang tại Bệnh viện Nam Hà, BS. Kiệt được cử đi thực tập khoa học tại Đức 3 năm (1972-1974) rồi về làm Trưởng khoa Xquang của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Công tác Xquang chẩn đoán càng phát triển, đội ngũ cán bộ chuyên ngành ngày thêm đông và cũng có thêm một số cán bộ bị nhiễm xạ do nghề nghiệp. Có người đã bỏ nghề vì không chịu nổi các áp lực của gia đình, họ hàng khi biết có bác sĩ bị suy tủy, bị ung thư. Có người có con, có cháu bị bệnh bạch cầu. Các bệnh nhiễm xạ như một cái án treo mà thầy thuốc Xquang lúc nào cũng lo lắng. Lấy vợ khó, khi sinh con, phải theo dõi bệnh của con, con sinh cháu lại phải theo dõi sức khỏe của cháu tới khi các cháu  trưởng thành. Phải đến năm 1990, một số  khoa Xquang của các bệnh viện lớn mới được trang bị máy Xquang có điều khiển  qua tăng sáng truyền hình để giảm bớt  hiện tượng nhiễm xạ cho bệnh nhân và những người làm nghề.

BS. Kiệt phải luôn tự động viên mình, động viên bạn đồng nghiệp yên tâm làm việc, lấy niềm vui an ủi là chuyên ngành đã góp phần tích cực giúp người bệnh được chẩn đoán đúng bệnh mà luôn đề cao ý thức  phòng bị nhiễm xạ.

Người thầy đưa tiến bộ khoa học Xquang về Việt Nam

Những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ 20, kỹ sư người Anh Godfrey Hounsfield và BS người Mỹ Alan Cormack đã phát minh lý thuyết chụp Xquang cắt lớp vi tính (CT scan), một phương pháp tiên tiến mang lại những thành tựu lớn cho chuyên ngành Xquang chẩn đoán. Hai nhà bác học trên đã được giải thưởng Nobel năm 1979. Máy CT scanner  đầu tiên được lắp đặt vào năm 1972 thì đến  nay đã  có hàng nghìn  máy CT đang được sử dụng tại  các nước trên thế giới.

 GS.TS. Hoàng Đức Kiệt cùng đồng nghiệp trẻ đang phân tích phim cộng hưởng từ hình ảnh tổn thương đốt sống.

CT scan là cách chụp X quang đặc biệt cho ra những hình ảnh cắt lớp theo chiều ngang của cơ thể bằng cách sử dụng tia X và máy vi tính. Những hình ảnh này giúp các bác sĩ có thể nhìn vào bên trong cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh của CT với độ phân giải cao còn giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy những nốt hoặc khối u nhỏ mà trên phim Xquang không thể nhìn thấy được.

 

Là người đưa các kỹ thuật tiên tiến của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh về nước ta, GS.TS. Hoàng Ðức Kiệt còn là người có công đào tạo đội ngũ cán bộ sử dụng kỹ thuật cao, đọc được các kết quả do máy mang lại để chẩn đoán đúng cho người bệnh.
 
Ông đã xây dựng các quy trình kỹ thuật trong cả nước, đưa ra các  biện pháp tiết kiệm và sử dụng hợp lý, từ đó đề xuất giá thành hợp lý cho bệnh nhân trong khi ở các nước trong khu vực có chi phí cao hơn 5 - 7 lần.
TS. Hoàng Đức Kiệt đã nắm vững kỹ thuật này trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS người Đức Willi Kroger vào năm 1983. Ông lại được nhận tủ sách quý báu với nhiều sách quý về chuyên ngành do thầy F. Held tặng cho học trò Việt Nam theo di chúc để lại trước khi qua đời. TS. Kiệt đã dùng tiền học bổng gửi nhiều bưu kiện sách về Việt Nam. Năm 1988 - 1989, ông lại được cử đi tiếp thu những thành tựu mới của chuyên ngành tại nước Cộng hòa Pháp. Ông trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Thời kỳ đó, đã có nhiều cán bộ và bệnh nhân nước ta phải ra nước ngoài để thực hiện chẩn đoán bệnh bằng máy CT scanner này.  

 

Năm 1990, TS. Hoàng Đức Kiệt đã viết báo cáo đề đạt với Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là GS. Phạm Song về sự cần thiết có máy CT scanner ở Việt Nam. Bộ trưởng báo cáo với Chính phủ việc này. Sau đó, Nhà nước đã duyệt chi ngân sách 1 triệu USD để mua 1 máy CT scanner trang bị cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và 2 máy xét nghiệm huyết học hiện đại khác. Hoàn cảnh kinh tế nước nhà lúc bấy giờ rất khó khăn nhưng vẫn được chấp nhận chi tiền lớn cho mua    máy, đó là sự quan tâm lớn của Chính phủ.                             

Tháng 1/1991, 1 máy CT scanner được lắp đặt tại Bệnh viện Việt Xô. Cụm máy đầu tiên có ở Việt Nam được giao cho TS. Hoàng Đức Kiệt và Khoa Xquang bệnh viện sử dụng, có nhiệm vụ phục vụ cho tất cả các yêu cầu của cả miền Bắc. Các năm sau, lần lượt các Bệnh viện Việt - Đức (1993), Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy (1995) có thiết bị này.

Từ khi bệnh viện có máy CT scanner, có  thể nói, đó là một  cuộc cách mạng về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Nó giúp thầy thuốc Hoàng Đức Kiệt và các cộng sự chẩn đoán chính xác và hiệu quả nhiều ca bệnh khó và đã cứu sống rất nhiều người. Hai thí dụ:

- Các bệnh nhân chấn thương sọ não, đã bị hôn mê, bác sĩ phẫu thuật cần biết  nơi có tổn thương. Nhờ có CT scanner, có thể thấy khối máu tụ dưới màng cứng hay ngoài màng cứng, bác sĩ phẫu thuật chỉ cần khoan để đưa ống sonde hút máu tụ ra, bệnh nhân lành bệnh, không như trước kia phải tổ chức cuộc đại phẫu thuật về sọ não.

- Có bệnh nhân bị đau dữ dội liên sườn. Chụp CT scan phổi, thấy rõ khối u trong phổi (hậu quả do hút thuốc lá) đè vào dây thần kinh liên sườn, được mổ ở Bệnh viện Việt - Đức để cắt khối u - thực chất là ung thư phổi.

Theo đề nghị của TS. Hoàng Đức Kiệt, năm 1996, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô được trang bị máy chụp cộng  hưởng từ (MRI). Đó là một bước tiến mới về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.     

Khác với CT scanner dùng tia X, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) dùng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh  chẩn đoán, là một thủ thuật cận lâm sàng tuy đắt tiền nhưng được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác. MRI là đỉnh cao trong ngành chẩn đoán hình ảnh y khoa, cộng hưởng từ cho thấy các cấu trúc mô mềm rõ ràng đến từng sợi gân, từng miếng sụn nhỏ trong khớp hay từng thương tổn nhỏ trong não, đồng thời cũng thêm sự  an toàn cho thầy thuốc và bệnh nhân.  Chụp cộng hưởng từ  bắt đầu được dùng để chẩn đoán bệnh từ năm 1982 và được sử dụng  rộng rãi từ năm 1986. Hai nhà bác học Paul Lauterbur và Peter Mansfield phát hiện hiên tượng cộng hưởng từ cũng được  giải thưởng Nobel y học năm 2003 .           

Là  người đưa các kỹ thuật tiên tiến về chẩn đoán hình ảnh về nước ta, GS. Hoàng Đức Kiệt  còn là người có công đào tạo  đội ngũ cán bộ  sử dung kỹ thuật cao, đọc được các kết quả do máy mang lại để chẩn đoán đúng cho người bệnh. Ông đã xây dựng các  quy trình kỹ thuật trong cả nước, đưa ra các  biện pháp tiết kiệm và sử dung hợp lý, từ đó đề xuất  ra giá thành hợp lý cho bệnh nhân  trong khi ở các nước trong khu vực có chi phí cao hơn 5 đến 7 lần. 

  GS. Hoàng Đức Kiệt trả lời phỏng vấn.

Một trong những người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc chẩn đoán hình ảnh

Từ năm 1976, nhiều thế hệ sinh viên y khoa thuộc các lớp đại học, các học viên sau đại học và nghiên cứu sinh tiến sĩ các Trường đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế và Học viện Quân y là học trò của GS.TS. Hoàng Đức Kiệt với hàng trăm giờ giảng hằng năm. Giáo sư cũng là giảng viên trong các lớp bổ túc đào tạo ngắn hạn cho thầy thuốc Xquang của nhiều địa phương trên cả nước, là tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu khoa học với hàng chục bài báo chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài.

Ông là thầy thuốc của các cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo và với cả người dân bình thường với tinh thần phục vụ tận tụy, hết lòng vì người bệnh, được bệnh nhân và học trò kính trọng, biết ơn. Ông là một cán bộ đầu ngành làm việc cần mẫn, luôn  hướng dẫn chỉ bảo tận tình ân cần, được các đồng nghiệp quý mến.

Hiện nay, GS.TS. Hoàng Đức Kiệt  là Chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân của Việt Nam, từng là Chủ tịch Hiệp hội Điện quang các nước Đông Nam Á (2008-2010). GS. Kiệt dành nhiều công sức đóng góp vào việc thực hiện các kỹ thuật Xquang mới: khuyến khích đẩy mạnh kỹ thuật Xquang can thiệp để chữa bệnh bằng kỹ thuật hiện đại cho bệnh nhân. Trên cương vị Chủ tịch Hội nghề nghiệp, ông  luôn chú ý đề đạt với Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm tới việc bảo hộ lao động cho các thầy thuốc hành nghề Xquang, đồng thời cũng tha thiết khuyến cáo các  thầy thuốc cũng như bệnh nhân không lạm dụng kỹ thuật mới, chỉ nên chỉ định khi thật sự cần thiết để vừa giảm bớt chi phí cho bệnh nhân vừa giảm độ nhiễm xạ cho cả thầy thuốc và bệnh nhân.

GS.TS. Hoàng Đức Kiệt được Nhà nước phong chức danh Phó giáo sư năm 1992 và Giáo sư y học năm 2002, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 1997. Ông đã 75 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, 56 năm tuổi nghề nhưng vẫn phát huy vai trò của một cán bộ đầu ngành gương mẫu, một người thầy. Ông vẫn giảng dạy, hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh và là cố vấn chuyên môn cho một số bệnh viện lớn.      

Trích báo suckhoedoisong.vn

    

 

minhhien.info
Tin công nghệ
Giải trí
Lập trình asp net - Ajax